MỸNghiên cứu cho thấy trong 3 tháng đầu thai kỳ bà mẹ bị hội chứng ốm nghén nặng thì con có 58% nguy cơ tự kỷ so với bình thường.
Kết quả này được nhóm nghiên cứu Kaiser Permanente công bố ngày 3/10, sau khi phân tích hồ sơ sức khỏe của gần 500.000 phụ nữ mang thai và con của họ sinh từ năm 1991 đến 2014 tại Nam California nhằm tìm hiểu mức độ liên quan giữa chứng ốm nghén và rối loạn phổ tự kỷ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện trẻ nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao hơn 58% khi các bà mẹ bị hội chứng ốm nghén nặng (hyperemesis gravidarum) trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ ốm nghén nặng trong 3 tháng giữa thai kỳ, con có 36% nguy cơ bị tự kỷ. Hyperemesis gravidarum là hội chứng ốm nghén ở bà bầu với các biểu hiện nôn mửa, giảm cân và rối loạn điện giải.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy chứng ốm nghén của mẹ ảnh hưởng đến rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em gái mạnh hơn so với trẻ em trai, ở người da trắng mạnh hơn so với người da đen.
Tiến sĩ, bác sĩ Darios Getahun, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết kết quả này mở ra cơ hội chẩn đoán và can thiệp sớm hơn ở trẻ em có nguy cơ mắc tự kỷ.
Các nhà khoa học chưa làm rõ được ốm nghén ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tự kỷ của trẻ. Theo các chuyên gia, nôn mửa có thể xảy ra tới 50 lần một ngày, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng trong cơ thể người mẹ. Khi bị ốm nghén, người mẹ thường bị mất nước, giảm cân, hạ huyết áp và thay đổi quá trình trao đổi chất. Trẻ cũng mất chất dinh dưỡng, dẫn đến những phát triển bất thường ở hệ thần kinh.
Các nhà khoa học cho rằng không thể loại trừ những nguyên nhân khác, chẳng hạn trẻ bị ảnh hưởng một số loại thuốc mà mẹ sử dụng khi bị ốm nghén.
Lê Cầm (TheoSciencedaily) – VnExpress